Lịch sử phát triển Mitsubishi F-1

Kế hoạch máy bay huấn luyện siêu thanh

Tháng 08 năm 1967, Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản bắt tay vào thiết kế mẫu máy bay đa năng mới. Theo yêu cầu, mẫu máy bay mới này sẽ thay thế các máy bay chiến đấu và huấn luyện của Mỹ được trang bị cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khi đó.

Tháng 10 năm 1968, Mitsubishi khởi động việc thiết kế mô hình thực loại máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi. Tới tháng 01 năm 1969, mô hình này được hoàn tất.

Tháng 03 năm 1970, JASDF đã quyết định ký hợp đồng với MHI chế tạo hai chiếc máy bay để đưa vào thử nghiệm. Đúng một năm sau, các cuộc thử nghiệm về thông số máy bay được hoàn tất, và tới tháng 04 năm 1971, mẫu thử nghiệm đầu tiên được Mitsubishi hoàn tất. Người phụ trách công tác thiết kế mẫu máy bay này là Kỹ sư trưởng K. Ikeda.

Sau các cuộc thử nghiệm thành công trên mặt đất, mẫu máy bay mới do Mitsubishi chế tạo theo đơn đặt hàng của JASDF được đặt tên là XT-2. Mẫu máy bay này sau đó đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên vào ngày 02 tháng 12 năm 1971.

Bắt đầu thứ tháng 03 năm 1975, Nhật Bản đã cho sản xuất hàng loạt mẫu máy bay mới này với tên gọi Mitsubishi T-2. Để dây chuyền sản xuất hàng loạt của T-2 đi vào hoạt động, Nhật Bản đã phải nhập khẩu một phần đáng kể các bộ phận, chi tiết và linh kiện từ nước ngoài, trong đó có động cơ R.B.172 D.260-50 Adour của Rolls-Roys do Ishikawajima-Harima Heavy Industries (IHI) sản xuất theo giấy phép. Từ năm 1975 đến năm 1988, đã có 90 chiếc T-2 được xuất xưởng, trong đó có 28 chiếc chuyên dùng cho huấn luyện T-2Z và 62 chiếc chiến đấu - huấn luyện T-2K.[1][2][3]

Kế hoạch máy bay tiêm kích - bom

Quá trình phát triển của Mitsubishi F-1 bắt đầu vào ngày 07 tháng 02 năm năm 1972 khi JASDF công bố kế hoạch chế tạo mô hình máy bay chiến đấu tấn công mới dựa trên nguyên mẫu máy bay huấn luyện T-2 (Dự án FS-T2), nhằm mục đích thay thế phi đội F-86 Sabres đã quá lạc hậu. Các kỹ sư của MHI đã tiến hành thiết kế lại chiếc T-2 để phù hợp với các yêu cầu của JASDF. Các sửa đổi bao gồm:

- Loại bỏ buồng lái phía sau, không gian trống được dùng để chứa hệ thống thiết bị điện tử.

- Lắp đặt kính chắn gió một mảnh mới có độ dày lớn nhằm đề phòng chim chóc lao vào.

- Hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS).

- Cải tiến hệ thống vũ khí.

- Hệ thống dẫn đường quán tính.

- Hệ thống radar nhận diện cảnh báo (RHAWS).

- Thiết bị đo độ cao. 

Hợp đồng mua hai nguyên mẫu đầu tiên đã được ký kết vào năm 1973. Năm 1974, phía Mitsubishi đã chuyển giao cho JASDF hai chiếc FS-T2 để tiến hành thử nghiệm. Chiếc FS-T2 đầu tiên mang số hiệu 107 thực hiện chuyến bay thử lần đầu vào ngày 03 tháng 06 năm 1975. Ngày 07 tháng 06 năm 1975, chiếc thứ hai mang số hiệu 106 cũng được đưa vào thử nghiệm. Ngày 12 tháng 11 năm 1976, cả hai chiếc 106 và 107 được tiến hành bắn thử tất cả loại vũ khí được trang bị. Thông qua các cuộc thử nghiệm, các chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu Bộ Quốc phòng Nhật (TRDI) đã tiến hành xác định, kiểm tra tất cả mọi đặc tính cần thiết và các hệ thống của máy bay, tổ hợp thiết bị trên khoang và các vũ khí. 

F-1 được đưa vào sản xuất hàng loạt vào ngày 25 tháng 02 năm 1977. Chiếc đầu tiên được hoàn thành và bay thử vào ngày 16 tháng 06 năm 1977. Tháng 04 năm 1978, 18 chiếc F-1 đã được đưa vào biên chế của JASDF. Ban đầu, kế hoạch của Nhật Bản là sản xuất 160 chiếc F-1, nhưng điều kiện về ngân sách khiến số lượng bị cắt giảm xuống còn 77 chiếc. Chi phí trung bình của F-1 là khoảng 2,6 tỷ yên cho mỗi máy bay. Chiếc F-1 cuối cùng được sản xuất vào tháng 08 năm 1987. 

Toàn bộ 77 chiếc F-1 được biên chế thành ba phi đội, mỗi phi đội có 25 chiếc, có trụ sở chính tại Căn cứ không quân Misawa.

- Phi đội số 03 được thành lập ngày 31 tháng 03 năm 1978.

- Phi đội số 08 được thành lập ngày 29 tháng 02 năm 1980.

- Phi đội số 06 được thành lập ngày 28 tháng 02 năm 1981.

Năm 1991 đến năm 1993, JASDF đã tiến hành Chương trình kéo dài thời hạn phục vụ cho F-1 (SLEP) nhằm kéo dài tuổi thọ của khung thân máy bay từ 3.500 giờ lên 4.000 giờ. Là một phần của SLEP, 70 chiếc F-1 đã được nâng cấp bằng cách lắp đặt hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, thay thế nắp buồng lái vững chắc hơn và bổ sung khả năng ném bom dẫn đường XGCS.

Sáu chiếc F-1 cuối cùng ở Căn cứ không quân Tsuiki tại tỉnh Fukuoka, miền Nam Nhật Bản, đã nghỉ hưu vào ngày 09 tháng 03 năm 2006, những chiếc máy bay này đã đạt đến giới hạn tuổi thọ của khung máy bay là 4.000 giờ. Hiện nay, những đơn vị sử dụng F-1 đang lần lượt chuyển sang sử dụng loại Mitsubishi F-2 (Nhật Bản/Mỹ cùng phát triển, dựa trên F-16C/D) hiện đại hơn.[1][2][3]